Tin tức - Sự kiện
Điệu kèn yêu thương

Ngày cập nhật: 14/04/2015 4:32:05 CH

Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng đến nay, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa của bà con các dân tộc ít người ở miền Tây Quảng Trị vẫn được giữ gìn và phát huy. Đặc biệt kèn trĩl (tiếng Kinh gọi là kèn nhỉ), một trong những nhạc cụ truyền thống quý của bà con Vân Kiều, Pa Kô thường góp vui trong các dịp lễ hội, tết, ngày mùa, đi sim, canh nương, rẫy... hiện vẫn được một số nghệ nhân bảo tồn, sử dụng.

Ông Hồ Văn Xang trú tại bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh là một trong số ít nghệ nhân biết chế tác kèn trĩl ở Hướng Hóa. Ông yêu kèn trĩl khi còn là thanh niên. Mỗi lần giúp bố mẹ canh giữ nương, rẫy khỏi thú rừng, chim muông phá hoại mùa màng, ông thường lấy kèn ra thổi. Tiếng kèn ngân vang làm ông quên đi sự cô đơn giữa đại ngàn. Tiếng kèn của ông còn gợi mở cho những người cùng trang lứa canh giữ nương rẫy bên cạnh tìm đến nhau làm quen, kết bạn. Họ trò chuyện, hát giao duyên, người thổi kèn, người hát dân ca với những lời hát mộc mạc nhưng giàu tình cảm… 

Cầm trên tay một đoạn tre nhỏ, ông Hồ Văn Xang nhiệt tình hướng dẫn cho thanh niên trong bản cách làm một chiếc kèm trĩl hoàn thiện. Ông Xang kể lại: “Hồi ấy, tôi học cách làm kèn từ ông nội và bố. Kèn trĩl nhỏ hơn nhiều so với các loại kèn khác, nó có tính đặc trưng, dễ phân biệt. Kết cấu kèn trĩl gồm có ba phần chính: lưỡi, nuốt (lỗ âm) và đầu. Vật liệu làm kèn phải là tre Aho lâu năm và chắc, bền. Tre mọc riêng lẻ không sống theo bụi, chọn loại tre nhỏ hơn ngón tay út người lớn. Quá trình làm kèn khá đơn giản nhưng phải đúng cách mới thổi ra tiếng trong trẻo. Chặt tre về để khô, đo chiều dài kèn khoảng 18-20 cm. Dùng phía ngọn của tre cách chừng 2 cm để làm lưỡi kèn, lấy dao sắc khứa cách đầu kèn khoảng 0,5 mm, lưỡi kèn dài khoảng 2 cm, rộng 1,5 cm, khi khoét lưỡi kèn phải hết sức khéo léo, nhẹ tay. Đối với phần nuốt (lỗ âm) thì có 4 lỗ nuốt, phía trên mặt kèn có 3 lỗ nuốt (trong đó 1 lỗ nuốt giữa to vừa, 2 lỗ nuốt 2 bên nhỏ hơn nhưng phải bằng nhau), 1 lỗ nuốt phía dưới sát với lỗ nuốt phía trên và phải bằng nhau. Khi thổi thử, tiếng nhạc chưa đều thì phải dùng dao cắt vót dần lỗ nuốt cho có độ sâu hơn. Phía đầu kèn phải vót góc khuyết bằng 1/2 lỗ kèn”. Hoàn thành xong chiếc kèn trĩl, ông Xang đặt lên miệng thổi, tiếng kèn của ông nghe êm tai, ai cũng thấy trong người vui vẻ, thoải mái hơn. 

Trăng đã sáng nhưng lòng em chưa sáng. Trăng đã vui nhưng lòng em chưa vui. Mơ ước đến anh, em không dám mơ ước. Mơ ước đến anh, em mơ ước xa vời. Nếu anh có thật lòng, hãy mua vật làm chứng. Nếu anh có thật lòng, hãy đem của cải về. Không thấy mặt anh, em không ăn cơm được. Không thấy được anh, lòng em héo hon gầy”... Bài tà-oái được chị Hồ Thị Thu Hà, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa ngân vang, lời ca chất phác, giản dị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa của nỗi lòng người con gái đối với chàng trai có tình ý; kết hợp tiếng kèn trĩl do nghệ nhân Hồ Văn Xang thể hiện lúc thăng, lúc trầm làm không khí ngày xuân nơi đây thật vui và ấm áp. 

Là người Vân Kiều, trước đây, chị Hà có nhiều năm làm cán bộ văn hóa, chị rất nhiệt tình tham gia vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương. Chị có năng khiếu văn hóa, văn nghệ, nhất là hát và ngâm thơ tiếng Bru-Vân Kiều. Chị thường xuyên về cơ sở, tìm hiểu các nhạc cụ, bài hát truyền thống để bổ sung vốn kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân và sẵn sàng phục vụ bà con khi có dịp. Mỗi lần đội nghệ nhân bản Pa Nho cần chị tham gia các phong trào, lễ hội, tạo không khí vui tươi hơn, chị đều có mặt. Chị biểu diễn cùng tiếng kèn đặc biệt do nghệ nhân Hồ Văn Xang thổi. 

Chị Hà tâm sự: “Tôi rất vui vì thường xuyên được cùng các nghệ nhân của bản Pa Nho ôn lại những bài hát, điệu nhạc truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, tạo sự gắn kết hơn giữa người cán bộ làm công tác dân tộc với bà con, hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, nhất là cùng họ duy trì và phát huy những bản sắc lâu đời của người Vân Kiều, Pa Kô”. 

Dù không phải đến ngày tết, lễ hội, được mùa nhưng ông Hồ Văn Xang vẫn gắn bó thường ngày với kèn trĩl. Ông cho biết: “Hiện còn một số người lớn tuổi trong bản rất ngại khi cầm kèn trĩl để thổi và hát, nhưng đối với tôi, dù tuổi đã cao, qua rồi cái thời son trẻ tôi vẫn miệt mài chế tác trĩl, vẫn thổi những điệu nhạc mình yêu thích, xóa bỏ dần quan niệm lạc hậu xưa là người già không nên thổi trĩl, tạo thói quen để con trẻ học và làm theo. Tôi vẫn đang trăn trở vì ngày nay, nhiều thanh niên trong bản cũng biết thổi kèn trĩl nhưng vẫn chưa ai làm được một cái kèn cho đúng nguyên bản của nó. Tôi sẵn sàng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ cách làm kèn trĩl cũng như cách thổi, kết hợp với các điệu nhạc, lời ca mà tôi được biết”. 

Sự góp mặt của kèn trĩl bấy lâu vào nhạc cụ truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô đã chuyển tải tình cảm bằng thứ âm thanh rất riêng qua cách thể hiện tình cảm của trai gái, tâm trạng con người một cách giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Tiếng kèn trĩl được bà con miền Tây Quảng Trị xem như tiếng nhạc của mùa vui bởi nơi nào có tình yêu, hạnh phúc, có niềm hy vọng… thì nơi đó có tiếng kèn trĩl vang lên, vượt núi cao, suối sâu, kết nối tình cảm con người được gần gũi nhau hơn. 


Nguồn tin: baoquangtri.vn

Lần xem: 630  Quay lại!

CÁC TIN KHÁC
  Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Lãnh đạo dự án Eco Fair đã đến thăm và làm việc tại Tổng công ty thương mại Quảng Trị (SEPON GROUP)
  Trồng lúa hữu cơ mở ra hướng canh tác bền vững cho nông dân Quảng Trị
  Hôm nay (12-12) diễn ra Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ nhất
  SẢN PHẨM MỚI GẠO HỮU CƠ SEPON
  ĐOÀN GIÁM SÁT THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH QUẢNG TRỊ LÀM VIỆC VỚI CÔNG TY
  GẠO ĐÂY, TỪ TRIỆU PHONG!
  Thí sinh Lại Thị Yến Nhi giành danh hiệu “Đại sứ du lịch Quảng Trị 2021”
  SEPON Group tổ chức Hội nghị ký kết ghi nhớ thực hiện “Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó phát triển” của Tổng liên đoàn lao động phát động!
  Sepon Group nghiên cứu xây dựng Đề án sơ bộ phát triển lúa VietGAP, lúa hữu cơ Quảng Trị.

Ngày đến*  
Ngày đi*