- 17/05/2022 00:00:00
- 56 lượt xem
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của người dân HTX Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững. lúa hữu cơ, gạo hữu cơ sepon, sepon, thương mại quảng trị
Trồng lúa hữu cơ mở ra hướng canh tác bền vững cho nông
dân Quảng Trị
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm của người dân HTX Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững.
Xuất phát từ nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị và Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phối hợp với HTX Kim Long thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm quy mô gần 18ha với giống lúa ST25.
Người dân tham gia được hỗ trợ các khâu trong sản xuất lúa hữu cơ như: mạ khay đạt tiêu chuẩn, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, dịch vụ cấy máy, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái, sử dụng máy gặt lúa, máy cuộn rơm, tập huấn, ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ 50% giống và vật tư.
Các chế phẩm sinh học dùng để cung cấp chất dinh dưỡng, khoáng chất cho lúa đều có nguồn gốc thực vật, động vật như: cá, các thân/lá cây non, vỏ trứng, xương động vật,... Và dùng gừng, ớt, tỏi, thuốc lá,... để tăng sức đề kháng và phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Dõng (67 tuổi, thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) phấn khởi khi thu hoạch vụ lúa hữu cơ đầu tiên. Gia đình ông có 0.5ha lúa, sau khi gặt xong, lúa được bán ngay tại chân ruộng với giá 11.000 đồng/kg, giá cao gần gấp đôi so với thị trường hiện tại.
“Đây là điều mà gia đình không dám nghĩ đến sau một vụ mùa đầy biến động bởi thiên tai vừa qua. Trồng lúa hữu cơ, bà con không phải tiếp xúc với các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hạt lúa làm ra cũng đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên bà con ai cũng phấn khởi và sẽ tiếp tục tham gia trong mùa vụ tới”, ông Dõng chia sẻ.
Có 8 sào ruộng canh tác lúa hữu cơ, gia đình ông Nguyễn Quân (64 tuổi, thôn Kim Long, xã Hải Quế) là một trong những hộ đi đầu tham gia triển khai mô hình cho biết: “Thay vì trước đây bà con làm thủ công vất vả thì nay được áp dụng khoa học kĩ thuật hiện đại hỗ trợ từ việc gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy, dùng máy bay không người lái phun thuốc, máy gặt đi liền với máy cuộn rơm… Nhờ vậy, đã giảm bớt gánh nặng về kinh tế, giảm sức lao động cho người nông dân rất nhiều”.
|